TIN TỨC

Ứng phó với thiên tai tại huyện Ninh Sơn

Ứng phó với thiên tai tại huyện Ninh Sơn

Có 7 xã và 1 thị trấn, trong đó có 2 xã miền núi là Hòa Sơn và Ma Nới tại huyện Ninh Sơn. Với địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, các sông suối trên địa bàn ngắn, có độ dốc lớn, cộng với rừng đầu nguồn bị xâm hại, nên khi có mưa lớn hoặc mưa liên tục dễ gây hiện tượng lũ quét, lũ ống trên các sông suối, ngập úng cục bộ tại một số khu vực miền núi, vùng đồng bằng, vùng trũng thấp và vùng hạ du.

/ung-pho

Chủ động ứng phó thiên tai

Vị trí địa lý và địa hình như đã nêu trên, có thể nói Ninh Sơn là một trong những địa phương "nhạy cảm" với nhiều loại hình thiên tai, từ nắng nóng, hạn hán đến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, ngập lụt,… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Chỉ tính từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn huyện hết sức nghiêm trọng, phức tạp, gây tổn thất đáng kể đến sản xuất của người dân. Theo thống kê, mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại trên 131,3 ha cây trồng của nông dân thị trấn Tân Sơn và xã Mỹ Sơn, trong số này, mức độ thiệt hại từ 70% trở lên có hơn 89,4 ha của hàng trăm nông hộ, nhiều nhất là thị trấn Tân Sơn có gần 79 ha lúa. Ngoài ra, mưa lũ đã làm một số công trình thủy lợi, cầu cống, đường dân sinh,… của các xã Lâm Sơn, Lương Sơn, thị trấn Tân Sơn bị sạt lở sụt lún,… ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Đến nay, tuy hậu quả đã được địa phương phối hợp với ngành chức năng từng bước khắc phục, nhưng trước thực tế đã nêu, thêm một lời cảnh báo về tác hại của thiên tai ngày càng khốc liệt trên địa bàn huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung nếu thiếu chủ động để ứng phó bằng các kế hoạch cụ thể.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu, những bất thường và cực đoan của thời tiết ngày càng gia tăng và phức tạp, trở thành mối đe dọa thường trực đối với sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Do đó, ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả phù hợp với từng loại hình thiên tai, mà trước hết là ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá... để các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết, chủ động ứng phó nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Qua thực tế nhiều năm, huyện đã xác định các khu vực trọng điểm lũ ống, lũ quét: Khu vực đèo Ngoạn Mục, suối SaKai, suối Gia Chiêu, suối Tầm Ngân 1, thượng nguồn của các sông suối ở xã Lâm Sơn bắt nguồn từ tỉnh Lâm Đồng; thôn Nha Húi, Mỹ Hiệp, Phú Thủy (xã Mỹ Sơn); thôn Tân Lập, Tân Hòa, Tân Định (xã Hòa Sơn); Thôn Ú, Gia Hoa (xã Ma Nới). Và các khu vực trọng điểm sạt lở như: Sạt lở đường tại Đèo Ngoạn Mục thuộc thôn Lâm Bình (xã Lâm Sơn); sạt lở núi, đất đá gồm các thôn Tà Nôi, Gia Hoa (xã Ma Nới) và thôn Tân Lập, Tân Định (xã Hòa Sơn); sạt lở bờ sông tại các đoạn Đèo Cậu (xã Nhơn Sơn), khu vực dọc hai bên bờ sông Ông thuộc thôn Lâm Phú, Lâm Quý, Tầm Ngân 1 và thôn Tầm Ngân 2 tại bờ sông Ông đầu kênh Tây (xã Lâm Sơn), hạ lưu sông Ông khu vực bờ tả cầu xóm mới thôn Lâm Bình (xã Lâm Sơn)...

Xác định các khu vực thường chịu ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra như đã nêu trên, huyện xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, nhất là từ nay đến cuối năm, đó là tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đủ số lượng, có năng lực trong điều hành chỉ huy. Chỉ đạo các xã đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thời gian vượt lũ, đồng thời hoàn thành việc khắc phục hậu quả thiên tai các năm trước. Phối hợp giữa các địa phương, các ngành kiểm tra các công trình trước mùa mưa lũ. Đề xuất các giải pháp gia cố sửa chữa bảo đảm công trình hoạt động tốt trong mọi tình huống. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và của tỉnh để nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin, qua đó cảnh báo cho nhân dân cảnh giác, chủ động đối phó với thiên tai, bão lũ. Với phương châm "4 tại chỗ", đồng thời huy động tổng lực về người và phương tiện, cơ sở vật chất bằng mọi biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập. Khi xảy ra thiên tai phải cứu người trước, cứu tài sản sau. Các ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ động ứng cứu kịp thời, không trông chờ ỷ lại... Tinh thần chung là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, hiệu quả.

Ninh Sơn còn chủ động xây dựng nhiều kịch bản cụ thể, chi tiết để ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới; các kịch bản về phòng chống bão và mưa lớn gây ra lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá có thể xảy ra trên địa bàn huyện, làm cơ sở để các ngành, địa phương thực hiện đạt hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt từ nay đến cuối năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 hồ chứa nước thủy lợi là hồ Cho Mo với dung tích chứa 8,9 triệu m3. Khi có mưa lũ lớn xảy ra, Trạm Thủy nông Ninh Sơn phải tổ chức trực 24/24h để theo dõi, kiểm tra, trong đó chú trọng các công tác đảm bảo an toàn đối với hồ chứa nước. Đồng thời, tổ chức thực hiện các biện pháp xả lũ, tích nước hợp lý, hạn chế ngập lụt hạ du khi có mưa lũ ảnh hưởng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các công trình đê, kè sông trên địa bàn huyện khi có mưa bão xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng bộ đội, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ và nhân dân thực hiện gia cố đê, kè sông tại các vị trí xung yếu bằng các phương án cụ thể như: kè bao cát chắn sóng, đổ rọ đá tại các vị trí xói lỡ; tổ chức tuần tra sông nhằm phát hiện kịp thời sự cố lún, sụt, xói lỡ để xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình trong khi bão, lũ diễn ra...

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77