TIN TỨC

Người dân tự phát nuôi hàu sữa ở Đầm Nại

Người dân tự phát nuôi hàu sữa ở Đầm Nại

Nhiều hộ dân tại xã Tri Hải (Ninh Hải) trong thời gian gần đây đã đóng bè nổi trong vùng Đầm Nại để thả nuôi hàu sữa. Với tình hình điều kiện nguồn lợi đánh bắt hải sản ngày một cạn kiệt, việc phát triển nuôi trồng theo hướng đi mới đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó , tình trạng nuôi tự phát này còn nhiều điều đáng lo ngại.

hau-sua

Nuôi hàu sữa ở Đầm Nại

Là hải sản giàu dinh dưỡng nên con hàu ngày càng được nhiều thực khách ưa dùng. Nhờ có giá trị kinh tế cao nên gần đây có nhiều địa phương đã thả nuôi hàu để cung cấp ra thị trường, cho thu nhập khá cao. Tại Tri Hải, tận dụng vùng Đầm Nại rộng lớn, các hộ dân đang phát triển ngày một nhiều bè nuôi hàu, bên cạnh việc đánh bắt hải sản để tăng thu nhập.

Là một hộ nuôi tại thôn Tri Thủy 1, Anh Nguyễn Duy Anh cho biết: Gia đình đóng một bè nuôi khoảng 100 m2 bằng cây cừ tràm, kết hợp làm chòi trên bè tốn chi phí 15-20 triệu đồng. Sau khi đóng bè, mua giống từ Nha Trang (Khánh Hòa) về cột dây vào các miếng giá thể đã được cấy giống treo lơ lửng từng dây hào vào thân bè để nuôi. Con hàu thả nuôi tại Đầm Nại phát triển khá phù hợp nên lớn nhanh và không bị dịch bệnh, đầu ra tương đối thuận lợi, sản xuất tới đâu, bán hết tới đó. Nuôi hàu trên bè nổi là hình thức nuôi mới khá phù hợp và bước đầu có nhiều thuận lợi, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương, vừa phát huy lợi thế của vùng Đầm Nại.

Hiện nay, qua tìm hiểu tình hình thực tế mỗi bè 100m2 được người dân thả nuôi khoảng 4.000 miếng giá thể đã được cấy giống với chi phí khoảng 8 triệu đồng. Quá trình nuôi, hàu không cần cho ăn, chỉ theo dõi và vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Mỗi miếng giá thể sẽ hình thành, phát triển từ 8-10 con hàu. Khi hàu lớn có thể tách ra thả vào lồng nuôi để tránh bị thất thoát do rơi xuống đáy bùn. Sau thời gian nuôi từ 3-4 tháng, hàu đủ lớn cho thu hoạch với kích cỡ từ 15-20 con/kg. Trung bình mỗi bè nuôi tốt đạt sản lượng khoảng 1 tấn hào. Với giá bán từ 25 ngàn đồng – 35 ngàn đồng/kg, sau 3 tháng thu hoạch, mỗi bè lãi trên 20 triệu đồng.

Hiện có 20 bè nuôi của người dân địa phương đang tiến hành thả nuôi tại khu vực gần cầu Tri Thủy. Một số hộ khác cũng đang tiến hành đóng bè thả nuôi. Ông Phan Lộc, Trưởng thôn Tri Thủy 1 cho biết: Người dân rất mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện về vốn và quy hoạch vùng nuôi phù hợp để người dân ổn định sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương và tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Bởi hiện nay, người dân rất lo lắng việc nuôi không đúng quy hoạch lâu dài sẽ bị cấm. Mà để nuôi tự phát, theo phong trào thì nguy cơ rủi ro có thể gặp phải như môi trường nuôi và đầu ra sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, BQL thôn đang vận động người dân không phát triển bè nuôi mới, không di chuyển bè đến khu vực phía đông cầu Tri Thủy, chú trọng vệ sinh môi trường nuôi, nhất là xử lý vỏ hàu sau thu hoạch đúng nơi quy định…

Việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp là rất cần thiết, nhưng khu vực nuôi cần đảm bảo đúng quy hoạch, tránh xung đột các lợi ích. Cụ thể như không làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản, mưu sinh của người dân trong vùng, không gây cản trở đến luồng lạch tàu thuyền ra vào neo đậu trong khu vực tránh, trú bão. Theo ông Lê Văn Ngọc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải: Việc quản lý quy hoạch thuộc trách nhiệm của xã, nên địa phương cần tuyên truyền, thực hiện cam kết để người dân hiểu và chấp hành các quy định, không phá vỡ quy hoạch. Mặt khác, cần rà soát bổ sung quy hoạch để tạo điều kiện phát triển vùng nuôi bền vững.

Việc thả nuôi hàu tại Đầm Nại của người dân Tri Hải đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng không thuộc vùng quy hoạch nuôi. Do đó, địa phương cần có hướng xử lý phù hợp để giải quyết tốt yêu cầu đặt ra là tạo sinh kế cho người dân nhưng không làm vỡ quy hoạch. Điều đáng lo ngại nữa là việc phát triển các bè nuôi tự phát ồ ạt hiện nay, lâu dài sẽ làm cung vượt quá cầu, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó người dân cần có sự đầu tư thận trọng. Trong quá trình nuôi, cần chú trọng giữ gìn môi trường, tránh nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh gây thiệt hại về sản xuất.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77