Ở lĩnh vực kinh tế, tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao nhất là lĩnh vực công nghiệp-xây dựng với 18,7%, kế đến là thương mại-dịch vụ tăng 11%; ngành nông-lâm-thủy sản tăng 6,3%. Bức tranh kinh tế chung của huyện cho thấy đã có nhiều chuyển động tích cực theo hướng tăng giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại-dịch vụ. Kinh tế phát triển góp phần quan trọng trong việc nâng tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 265,44 tỷ đồng, bằng 94,8% dự toán năm, tăng 42,4% so với cùng kỳ.
Góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của huyện phải kể đến chuyển dịch trong cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đối với địa phương vốn có địa hình “nhạy cảm” với thời tiết như Ninh Sơn. Giá trị sản xuất toàn ngành trong 9 tháng đạt trên 925,5 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ, trong đó giảm giá trị sản xuất trồng trọt nhưng tăng giá trị sản xuất chăn nuôi lên mức 29%, dịch vụ nông nghiệp tăng 3,2%. Một số cây công nghiệp ngắn ngày được khuyến khích trồng để làm nguyên liệu cho chế biến như bắp lai có diện tích gieo trồng trên 2.270 ha, năng suất đạt 53,3 tạ/ha, diện tích cây mỳ thu hoạch 2.433 ha, tăng 6% so với cùng kỳ; diện tích cây mía thu hoạch 2.991,7 ha, năng suất đạt 534 tạ/ha, tăng 19 tạ/ha so với cùng vụ năm trước… Một trong những giải pháp giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất là ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đầu năm đến nay, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa tiếp tục được nhân rộng với diện tích gần 600 ha và có gần 900 hộ tham gia. Ngoài ra, huyện còn đầu tư cho mô hình thí điểm và liên kết sản phẩm nông sản an toàn cung cấp gian hàng nông sản sạch, nông sản an toàn tại chợ Tân Sơn; bao gồm trồng rau, củ quả an toàn 0,4 ha, nuôi gà ta thả vườn 300 con, trồng lúa sạch 0,4 ha, liên kết các sản phẩm như giá đỗ, đậu hủ, trái cây các loại, tổng kinh phí mô hình ước tính trên 70,4 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 61,5 triệu đồng.
Công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khả quan, đóng góp đáng kể vào bức tranh kinh tế của huyện. Một số lĩnh vực có mức tăng cao như công nghiệp khai khoáng tăng 23,1%, công nghiệp chế biến tăng 14,9%, sản xuất phân phối điện, nước tăng 22,5%; giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng 22,8% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: Điện thương phẩm đạt 37,8 triệu Kwh, tăng 4,4% so với cùng kỳ; điện sản xuất 116,9 triệu Kwh, tăng 56,7%; gạch sản xuất 24.952 ngàn viên; tinh bột mỳ đạt 11.074 tấn; nước máy ghi thu 738 ngàn m3, đũa các loại 60 triệu đôi.
Thương mại-dịch vụ ngày càng khởi sắc, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội toàn huyện đạt trên 710 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân và cá thể. Ngành Ngân hàng đã tiếp tục tạo “xúc tác” cho nhiều lĩnh vực kinh tế của huyện khởi sắc. Tính đến hết tháng 9-2017, tổng vốn cho vay đạt 837,8 tỷ đồng, tăng 8,7%, nâng tổng dư nợ lên trên 1.195 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước...
Nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế đã đề ra, theo đồng chí Võ Đình Vinh, Chủ tịch UBND huyện, trong 3 tháng còn lại của năm nay tiếp tục duy trì và phát triển vững chắc đối với những ngành, lĩnh vực đã có đà tăng trưởng, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu kinh tế-xã hội nói chung chưa đạt để có giải pháp khắc phục hiệu quả, phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp cần tăng cường quản lý, khai thác lợi thế hệ thống thủy lợi hiện có để đảm bảo nước tưới về vùng cuối kênh và tăng diện tích gieo trồng. Hướng dẫn nhân dân sử dụng giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng phục vụ chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn thức ăn gia súc. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng, phát huy tối đa năng lực sản xuất các cơ sở chế biến hiện có như: sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, điện... Về thương mại-dịch vụ, vừa duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng đồng thời khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống Nhân dân. Tăng cường công tác quản lý thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, nâng giá, nhất là đối với các loại vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu như nhiên liệu, vật tư xây dựng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lương thực thực phẩm…
Chúng ta có quyền tin rằng Ninh Sơn sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2017.
Mứt Tết ...
Đặc Sản Phan Rang ...
Lễ Hội Nho và Vang Phan Rang - Tháp Chàm- Ninh Thuậ ...
Địa Điểm Các Món Ăn Ngon Ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các địa điểm du lịch ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các Resort, Khu Nghỉ Dưỡng Cao Cấp Ở Phan Rang Nin ...
Các Khách Sạn Tiêu Biểu Ở Phan Rang Ninh Thuận ...