TIN TỨC

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh tại Hộ Hải

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh tại Hộ Hải

Có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng được phát triển mạnh tại xã Hộ Hải (Ninh Hải) trong thời gian gần đây đã đem lại thu nhập cao cho các hộ nuôi, trở thành nghề chính của người dân địa phương.

/tom-the

Phát triển nuôi tôm 

Nghề nuôi tôm ở địa phương đã có từ lâu, nhưng trước đây quy mô nhỏ lẻ, các hộ nuôi ít chú trọng đến việc xử lý, cải tạo ao nuôi nên dịch bệnh xảy ra liên tục, hiệu quả mang lại thấp, vì thế một số hộ đã bỏ hoang đìa. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, giá tôm tăng cao, người dân bắt đầu trở lại với nghề, đến nay toàn xã có khoảng 200 hộ tham gia nuôi, với tổng diện tích gần 120 ha. Người dân cũng ý thức hơn trong việc lựa chọn con giống, cải tạo đìa nuôi và có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường, nên tình hình được cải thiện rõ rệt, năng suất qua mỗi vụ thu hoạch tăng lên đáng kể.

Từ đầu năm đến nay nhờ thời tiết thuận lợi, bà con địa phương đã thả nuôi liên tiếp được 2 vụ, năng suất đều đạt khá cao. Anh Lê Tấn Phong, thôn Hộ Diêm chia sẻ: Gia đình có 3,6 sào đìa nuôi tôm, hiện đang thả nuôi vụ thứ 3. Trước đó, 2 vụ tôm cho năng suất đạt gần 6 tạ/sào, với giá bán 120 ngàn đồng/kg (cao hơn các năm trước 20 ngàn đồng), sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi trên 50 triệu đồng/sào. Hộ anh Võ Tiến Thịnh, thôn Lương Cách, trong vụ nuôi vừa qua, với 2,5 sào đìa, anh thả nuôi 14 vạn tôm giống cho thu hoạch gần 1,4 tấn tôm thương phẩm, thu lãi trên 120 triệu đồng. Anh Thịnh cho biết: Nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, thường xuyên phải kiểm tra, xử lý môi trường mặt nước để tránh tình trạng tôm bị bệnh. Tuy nhiên, nếu so với các đối tượng nuôi khác như tôm sú, ốc hương thì nuôi tôm thẻ cho thu nhập ổn định hơn, vì thời gian nuôi ngắn chỉ mất khoảng hai tháng rưỡi, lại được thị trường ưa chuộng…

Thời gian qua, địa phương đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn bà con trong việc xử lý nguồn nước, cũng như kỹ thuật nuôi nên đa số diện tích đìa tôm thả nuôi phát triển ổn định. Hiện nay, Trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Ninh Hải tiếp tục cử cán bộ nuôi trồng thủy sản trực tiếp về cơ sở để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, một số diện tích có hiện tượng bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ gần 6,5 tấn hóa chất Clorin để xử lý kịp thời mầm bệnh.

Chủ tịch UBND xã Hộ Hải cho biết: Thời gian tới, ngoài việc quy hoạch lại vùng nuôi tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa, xã còn đẩy mạnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn giúp người dân nắm vững kỹ thuật nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, nâng tầm thương hiệu tôm thẻ chân trắng trên địa bàn .

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77