TIN TỨC

Khai thác hải sản có nhiều tín hiệu khả quan

Khai thác hải sản có nhiều tín hiệu khả quan

Mặc dù ngư trường từ tỉnh ta đến Kiên Giang từ đầu năm đến nay không thuận lợi cho quá trình khai thác hải sản. Nhưng so với tháng 1 năm ngoái, sản lượng đánh bắt hải sản các loại toàn tỉnh vẫn đạt 3.810 tấn, tăng 5,2%, điều đó cho thấy khai thác hải sản đang có tín hiệu khả quan.

Người dân thu mua hải sản đánh bắt

Những ngày đầu tháng 2, trên ngư trường đã xuất hiện các đàn cá nổi, dù trữ lượng không lớn, song số tàu cá hoạt động khai thác đã tăng từ khoảng 60% trong tháng 1 lên 70%. Như mọi năm, hiệu quả đánh bắt của tàu cá tập trung các nghề: pha xúc, lưới vây, lưới rê nylon, lưới kéo, mành. Tình hình thời tiết không khá hơn mấy, song vẫn có khoảng 150 tàu thuyền hành nghề pha xúc, nghề lưới vây của ngư dân các xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) hoạt động tại vùng biển đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), tức tăng thêm 80 tàu thuyền so với tháng 1 (có 70 tàu thuyền).

Các chủ tàu cá và ngư dân ở các cảng, bến cá trong tỉnh cho biết số tàu cá neo đậu còn lại đang nắm tình hình thời tiết, thông tin ngư trường để chuẩn bị cho chuyến khai thác tiếp theo. Anh Nguyễn Thành Tứ, thôn Mỹ Tân 2 (Thanh Hải, Ninh Hải), chủ chiếc tàu “67” lưới vây rút chì 800 CV (vỏ composite dài 22,5m) chia sẻ: “Vào vụ cá bấc, đa số tàu nghề lưới vây rút chì neo bờ để tu bổ, song các tàu còn tiếp tục hoạt động vẫn đánh bắt hiệu quả, tàu tôi sẽ lên đường vào phía Nam đánh bắt khi biển êm hơn”. Theo nhiều ngư dân, với xu hướng mở rộng ngư trường, trong vụ bấc không chỉ tàu pha xúc mà cả tàu nghề lưới vây chuyên đánh cá nổi cũng tìm về khai thác ở vùng biển Tây Nam vì biển nơi đây vẫn còn êm, ít sóng gió hơn.

Nhờ ngư dân phát triển tàu công suất lớn và mua sắm trang thiết bị hiện đại nên ngư trường đánh bắt cũng được mở rộng. Nếu cuối năm ngoái, số lượng tàu có vỏ dài từ 15m trở lên (tức tàu khai thác xa bờ theo Luật Thủy sản 2017 quy định) trong toàn tỉnh là 623 chiếc, thì tháng 1 năm nay đã tăng lên 637 chiếc và đến đầu tháng 2 con số ấy là 692 chiếc, trong đó có 627 chiếc có vỏ dài từ 15m đến dưới 20m, 45 chiếc từ 20m đến dưới 24m và 20 chiếc từ 24m đến dưới 30m. Cùng với việc tăng năng lực tàu cá, yếu tố cơ cấu tàu cá đánh bắt xa bờ cũng đang có sự chuyển dịch lớn. Nếu năm 2016, nghề cá tỉnh nhà chỉ có 159 chiếc tàu đi khai thác xa (trong đó có 139 tàu khai thác, 20 tàu dịch vụ), năm 2018 có 518 chiếc (460 tàu khai thác, 38 tàu dịch vụ), thì cuối năm 2019 đã tăng lên 610 chiếc (trong đó có 567 tàu khai thác, 43 tàu dịch vụ). Đến đầu tháng 2 này, con số tàu cá đi khai thác xa đã là 632 chiếc (trong đó có 589 tàu khai thác, 43 tàu dịch vụ), tăng thêm 22 chiếc.

Nhờ sự phát triển của đội tàu đánh bắt xa bờ mà nòng cốt là các tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã góp phần đưa sản lượng khai thác của tỉnh tăng nhanh. Đặc biệt là chủng loại hải sản khai thác cũng thay đổi đáng kể, các loại cá, mực, tôm có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu hải sản đánh bắt được.

Nhằm đảm bảo thực hiện đạt tổng sản lượng khai thác 113.400 tấn hải sản trong năm nay ngoài việc thông báo vế ngư trường đánh bắt cho ngư dân, Chi cục TS tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Triển khai cho 100% chủ tàu thuyền ký cam kết không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, để thúc đẩy nghề cá tỉnh nhà vươn khơi, Chi cục tiếp tục hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP.

mủ trôm , nho khô , du lịch phan ranghạt éhạt đười ươi

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77