TIN TỨC

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng vào đời sống

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng vào đời sống

 

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, một số nơi trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình trồng trọt mới, giá trị đơn vị diện tích đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

/nho

Sản xuất nho không hạt

Điều này đã chứng tỏ nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống, đạt được mục tiêu chính là nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng nông sản trên thị trường.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở tỉnh ta bắt đầu manh nha từ việc ứng dụng hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt trong canh tác các loại cây trồng, tiết kiệm 30% lượng nước tưới, giảm công lao động, duy trì sản xuất ổn định trong điều kiện khô hạn. Đợt hạn hán kéo dài từ năm 2014 đến cuối năm 2016, mô hình tưới tiết kiệm nhanh chóng được nhân rộng lên hàng trăm ha trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mô hình tưới tiết kiệm công nghệ Israel ban đầu chỉ được ứng dụng ở dạng bán tự động, quy trình thiếu đồng bộ do điều kiện kinh phí của nông dân hạn hẹp. Sau khi Nghị quyết 05-NQ/TU ra đời, cùng với tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi, một số doanh nghiệp, nông dân đã đầu tư nâng cấp cải tiến hệ thống tưới phù hợp với từng đối tượng cây trồng, địa hình từng khu vực.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước), xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) lắp đặt bộ hẹn giờ và điều khiển tưới bằng điện thoại di động phục vụ sản xuất rau sạch và nho được đánh giá có tính sáng tạo, tính mới. Đầu tư công nghệ này, chi phí thấp, giúp hộ trồng không tốn công sức canh nước liên tục nhiều giờ đồng hồ ngoài ruộng, khả năng ứng dụng vào thực tế cao. Hoạt động NNCNC ngày càng phát triển rõ nét, với những mô hình sản xuất khép kín, theo chuỗi giá trị. Trang trại Sản xuất lan trong nhà lưới của anh Phan Thanh Sang ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) được cho là “điểm sáng” của NNCNC. Các loại hoa lan của trang trại đang cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sản xuất bằng công nghệ cấy mô tế bào được nhiều người ưa thích.

Từ chủ trương đúng đắn, đã có tác dụng khuyến khích tinh thần sáng tạo của nông dân trong việc tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đầu năm 2017, anh Nguyễn Văn Quy ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) thực hiện mô hình sản xuất nho không hạt bằng công nghệ sinh học đạt được kết quả bước đầu. Với phương pháp này, đã khống chế, ngăn chặn quá trình thụ phấn, gây mất khả năng nảy mầm của hạt phấn, tỷ lệ đậu quả cao, rút ngắn thời gian thu hoạch 10 ngày, lợi nhuận tăng thêm 40% so với trồng nho có hạt. Hiện nay, sản phẩm nho không hạt được các siêu thị ở Thủ đô Hà Nội đặt mua với khối lượng lớn, giá cao gấp 3 lần so với nho đỏ có hạt. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Quy dự kiến sẽ đầu tư trồng nho không hạt trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới 2 tầng (tưới gốc và tưới cành, lá) kết hợp, cách ly tác động bất lợi của môi trường, khí hậu bên ngoài kìm hãm quá trình sinh trưởng của cây nho.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Xây dựng nền NNCNC là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khá mới đối với nông dân tỉnh ta, nên quá trình nhân rộng các mô hình công nghệ cao gặp những khó khăn nhất định. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, huyện Ninh Phước xây dựng được một số mô hình NNCNC rõ nét nhất, như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống ở xã Phước Hậu; mô hình trồng măng tây xanh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch ở xã An Hải. Qua thực tế sản xuất cho thấy, để phát triển nền NNCNC, vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị là mắt xích không thể thiếu.

 

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77