TIN TỨC

Ngày lịch sử kể chuyện kháng chiến

Ngày lịch sử kể chuyện kháng chiến

Vào cái tuổi "Thất thập cổ lai hy" nhưng trông ông vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Cũng phải thôi, bởi ông từng là lính đặc công tham gia chiến đấu chống Mỹ trên nhiều mặt trận: Quảng Nam, Quảng Trị, Sài Gòn... và đặc biệt, ông cùng Đại đội trinh sát (C20) thuộc sư đoàn 325, Quân đoàn 2, nằm trong "cánh quân Duyên hải" vừa hành quân, vừa dẫn đường, nắm tình hình và đưa bộ đội ta tác chiến dọc đường trong khí thế thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn của những ngày tháng Tư lịch sử. Ông là bệnh binh Đặng Ngọc Ánh, ở khu phố 3, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn).

/cuu-chien-binh1

Ngày lịch sử kể chuyện kháng chiến

Ký ức thời kháng chiến...

Cựu chiến binh Đặng Ngọc Ánh đã 77 tuổi đời và hơn 50 năm tuổi Đảng, nhưng mỗi dịp tháng Tư về, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm chiến thắng lịch sử của dân tộc, lòng ông lại không khỏi bùi ngùi, xúc động. Ông tâm sự: Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, tôi lại là lính trinh sát nên nhiều lần phải giáp mặt với kẻ thù, mạng sống trở nên mong manh, sống chết trong gang tấc, nhưng với lòng yêu nước, yêu quê hương, tôi đã vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Sinh ra trong một gia đình bần nông ở xã Mỹ Lợi, huyện Tuổi thơ ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, bản thân không có điều kiện học hành, nhờ vào quân ngũ ông mới biết đọc, biết viết. Năm 1962, ông tham gia đội du kích xã, sau đó nhờ có biết võ thuật ông được theo học tại Trường Tân binh ở Kon Tum, rồi trở thành chiến sĩ bộ binh, giữ chức vụ Mũi trưởng, Chính trị viên phó Đại đội Đặc công chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam.

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông kể: Trong một trận đánh chống càn của địch, toàn tiểu đội bị bao vây nhưng vẫn chống trả quyết liệt, khi vũ khí đạn dược đã hết, nhiều đồng đội ông ngã xuống (trong đó có cả người anh họ của ông). Một tên lính Mỹ tiến sát về phía ông bắt giơ tay đầu hàng. Trong phút sinh tử đó, lợi dụng lúc tên Mỹ lấy dây trói buộc ra thì ông bất ngờ dùng hết sức lực của một người lính đặc công quật ngã tên giặc. Ông cướp được súng và 2 quả lựu đạn chạy trốn về phía bờ mương. Rồi 4 tên lính Mỹ khác xuất hiện, thấy đồng đội của chúng đã gục xuống, chúng hốt hoảng chạy đến cứu thương, ông dùng 1 quả lựu đạn ném về phía địch, một tiếng nổ chát chúa vang lên, toán lính Mỹ ngã gục, ông vội vàng lần theo bờ mương chạy về căn cứ an toàn. Năm 1969, ông được nhận Bằng dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1.

Trong giai đoạn 1969- 1971, ông được đi an dưỡng Đoàn 580 ra miền Bắc, được mời đi kể chuyện về cách đánh Mỹ, những kỷ niệm trận mạc… cho thế hệ trẻ noi gương. Rồi ông lại tiếp tục tham gia vào chiến trường, biên chế ở Đại đội trinh sát (C20), Sư đoàn 325- Quân đoàn 2 (giai đoạn 1971- 1975).

Đến tháng 1-1972, toàn Sư đoàn vào đứng chân ở khu vực dãy Hoành Sơn, ranh giới giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chuẩn bị cho mặt trận Bắc Quảng Trị (B5) và chống quân đổ bộ. Lúc đó, ông là thiếu úy, chính trị viên phó của Đại đội. Chiến trường Quảng trị năm 1972 vô cùng ác liệt, nhiệm vụ chính của ông là tổ chức các đợt luồn sâu vào thành cổ, các mũi trinh sát luôn tích cực bám địch chống lấn chiếm. Một số đồng đội hy sinh, đội trinh sát vẫn kiên cường bám trụ chờ bổ sung lương thực, vũ khí, đưa công binh vào đào lại công sự, chở thương binh ra. Nhờ đó, trận địa của ta vẫn được giữ vững, trong đó có sự đóng góp của Đội trinh sát C20.

Cuối năm 1974, đơn vị của ông tiếp tục tiến công vào Huế và chiến trường miền Nam theo lệnh Tổng tiến công giải phóng miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trên gương mặt ông ánh lên niềm vui khi nhắc đến đơn vị của ông trên đường tiến vào Nam đã góp phần vào giải phóng thị xã Phan Rang (Ninh Thuận). Trong cuốn Kỷ yếu của Đại đội 20 Trinh sát- Sư đoàn 325- Quân đoàn 2 có ghi lại: “Ngày 7-4-1975 cả Đại đội hành quân bằng ô tô, đi dọc theo đường 1, chỗ nào cầu hỏng, bằng mọi giá, phải nhanh chóng vượt qua. Sáng 15-4, một phân đội bám địch tại bắc Phan Rang. 5 giờ ngày 16-4-1975 phân đội của C20 này dẫn xe tăng, thiết giáp tấn công Phan Rang. Cả đơn vị lớn đều trên xe di chuyển theo mũi thọc sâu trên đường 1. Máy bay địch ném bom và bắn rất quyết liệt. Trong vòng 2 giờ, ta đã hoàn toàn giải phóng Phan Rang. Tinh thần mọi người rất khí thế trong không khí hào hùng”.

Trên đà thắng lợi, ông cùng với các đồng đội làm nhiệm vụ trinh sát dẫn đường đưa toàn sư đoàn của mình tiến thẳng vào Sài Gòn trong khí thế thần tốc, góp phần vào chiến thắng vang dội trưa ngày 30-4 lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn thắng lợi, giang sơn đất nước được thống nhất. Ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 3 lần nhận Chiến sĩ thi đua… và nhiều huy chương, giấy khen khác.

Gương sáng giữa đời thường

Rời quân ngũ năm 1976, bệnh binh Đặng Ngọc Ánh trở về địa phương tích cực tham gia vào các hoạt động tái thiết, xây dựng quê hương, đất nước. Ông làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định môt thời gian. Năm 1984, ông cùng nhiều gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới, gia đình ông định cư tại xã Tân Sơn (Ninh Sơn). Ở đâu, phẩm chất người lính cụ Hồ trong ông cũng luôn được phát huy, tỏa sáng. Ông tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể địa phương, từng làm Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Song Mỹ 1, xã Tân Sơn; Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Song Mỹ 1… góp phần đưa cuộc sống của người dân ngày một ổn định, nâng cao.

Bản thân ông cũng được đồng đội năm xưa giúp đỡ, hỗ trợ 300 triệu đồng để xây dựng lại ngôi nhà khang trang, bền vững. Lần giở những trang kỷ yếu của một thời binh lửa, ông chỉ tay vào tấm ảnh chụp cùng đồng đội ở Trà Liên Tây, tỉnh Quảng Trị ngậm ngùi nói: Nhiều đồng chí trong bức ảnh này đã hy sinh, mãi mãi nằm xuống nơi chiến trường để mình được sống trong hòa bình hôm nay. Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm và cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với biết bao xương máu của đồng đội và cả người thân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Năm 2011, ông được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Kỷ niệm chương Chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng tặng Bằng khen vì đã có thành tích: Gương người có công tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Thuận năm 2010- 2011. Ông Nguyễn Khoa Hưởng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Ninh Sơn cho biết: Ông Đặng Ngọc Ánh là một cựu chiến binh đã có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình, nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong cuộc sống. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động địa phương, xây dựng gia đình hạnh phúc, sống có nghĩa tình với bà con lối xóm.

Ở tuổi xưa nay hiếm, bệnh binh Đăng Ngọc Ánh vẫn tiếp tục làm Tổ trưởng tổ dân phố, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh của khu phố 3. Ông hạnh phúc vì con cái đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định nhưng ông vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi vì tấm lòng yêu thương con người và trách nhiệm trong công việc, ông muốn đóng góp thêm công sức của mình vào xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77