TIN TỨC

Đào tạo nghề cho lap động vùng biển cần được chú trọng

Đào tạo nghề cho lap động vùng biển cần được chú trọng

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế biển của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là phát triển nghề cá đã tạo nên những thay đổi đáng kể từ việc làm đến đời sống của đại đa số người dân các xã vùng biển trong tỉnh trong những năm qua. Góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến đó phải kể đến chính sách đào tạo nghề cho lao động vùng biển.

/dao-tao-nghe

Đào tạo nghề cho lao động vùng biển

Từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 49.620 lao động vùng biển, chiếm 51,59% so với tổng số lao động tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho trên 4.962 người. Trong số này, có 2.517 lao động được dạy các nghề dài hạn như: điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước lợ, quản trị khách sạn... Đối với dạy nghề ngắn hạn có 47.103 lao động được học các ngành nghề gồm: Kỹ thuật nuôi cua biển, trồng rong sụn, kỹ thuật nuôi ốc hương, ương giống và nuôi ngao, chế biến thủy sản, thuyền trưởng máy trưởng, thuyền viên, nghiệp vụ bếp, kỹ thuật nấu nướng, nghiệp vụ du lịch, chế biến món ăn... Đây là những nghề thiết thực với thực tế đời sống của người dân nhiều địa phương với đa dạng các hình thức “khởi nghiệp” hoặc tìm kiếm việc làm cả trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như tại các huyện Ninh Hải, Thuận Nam và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, trong những năm qua, đã có trên 3.130 lao động được đào tạo nghề thuyền trưởng máy trưởng và thuyền viên đi biển. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ đảm bảo đủ điều kiện tham gia hành nghề trên biển. Kết quả, 100% lao động đã có việc làm sau học nghề.

Một ngư dân đã tham gia lớp đào tạo sơ cấp nghề máy trưởng, cho biết: Gia đình tôi có truyền thống nghề biển, thông qua lớp học giúp tôi có thêm kiến thức về nghiệp vụ máy trưởng tàu cá và nghiệp vụ chuyên môn, qua đó, tôi có thể tự sửa chữa máy móc cho tàu của gia đình mỗi khi gặp sự cố ngoài biển khơi. Hay như đối với nghề chế biến thủy sản, đến nay đã đào tạo trên 3.590 người. Điều đáng nói là nghề này đã gắn kết giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc sau học nghề. Cũng từ mối gắn kết này, trong quá trình tham gia học nghề, doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền ăn trưa 15.000 đồng/ngày, lương thử việc trên 3 triệu đồng/người/tháng và bố trí ôtô đưa đón miễn phí trên một số tuyến đường chính. Kết quả, 100% lao động được nhận vào doanh nghiệp làm việc sau học nghề...

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, đây là các lớp học hết sức cần thiết nhằm phát huy năng lực khai thác thủy sản, nâng cao ý thức về khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, đồng thời góp phần quan trọng trong việc vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, qua đó giúp lao động ven biển có việc làm ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hạn chế như số lượng lao động qua đào tạo ngắn hạn các nghề phi nông nghiệp gắn với các ngành nghề phát triển công nghiệp biển còn chưa nhiều. Công tác tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của các địa phương hàng năm chưa sát với thực tiễn, chưa đúng thời điểm, do vậy việc lựa chọn nghề của các địa phương đưa vào giảng dạy để phục vụ cho phát triển kinh tế biển chưa thật hiệu quả. Mặt khác, công tác dạy nghề chưa huy động vai trò phối hợp của hội, đoàn thể cơ sở trong vận động, giúp đỡ hội viên sau học nghề thành lập các mô hình sản xuất hợp tác sau học nghề cũng như chưa kết hợp chặt chẽ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề để mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

Theo Nghị quyết số 69/2016/NQ-HĐND ngày 19-12-2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế biển của tỉnh giai đoạn đến năm 2020, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 3 nhóm ngành: Khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển và ven biển để tạo bứt phá và trở thành động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác. Để đạt được mục tiêu đã nêu, tỉnh ta đang tập trung đào tạo các ngành nghề năng lượng, công nghiệp biển, cảng biển, du lịch, thủy sản... Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có trên 22.640 lao động vùng biển được đào tạo, trong đó có 1.080 người được đào tạo nghề hệ cao đẳng và trung cấp, còn lại trên 21.560 người học sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Vấn đề đặt ra là để thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động vùng biển, các địa phương cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giúp lao động nhận thức đúng ý nghĩa và sự cần thiết khi tham gia các lớp đào tạo nghề. Đồng thời, các cơ sở dạy nghề cải tiến nội dung giảng dạy, đi vào thực chất, lý thuyết gắn với thực hành và chú trọng khâu tìm việc làm cho lao động sau đào tạo.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77